Công nghệ cao: Chìa khóa để ngành tôm bứt phá
Ứng dụng rộng rãi
Những năm gần đây, việc nuôi tôm đã được chú trọng đầu tư công nghệ, từ đó giúp đạt năng suất, chất lượng vượt trội. Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An (phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào nuôi tôm thẻ chân trắng, cho năng suất, lợi nhuận cao, ổn định. Hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ BioSipec (nuôi tôm 3 giai đoạn), sử dụng chế phẩm sinh học Biofloc trên ao nổi của Công ty đã chứng minh bằng hiệu quả thực tế, không chỉ giúp tăng mạnh sản lượng tôm thẻ chân trắng/vụ nuôi, tăng số vụ/năm, mà còn giúp giảm thiểu tác động tới môi trường.
Công nghệ BioSipec gồm 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Trong đó, mỗi giai đoạn nuôi trong 1 ao phù hợp. Cách di chuyển tôm từ ao này sang ao kia sau mỗi giai đoạn là theo dòng chảy tự nhiên, nhờ đó mà tôm hạn chế stress và tránh lây nhiễm mầm bệnh. Cùng với đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học semi Biofloc - một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn bã hữu cơ, động vật phù du, giun nhỏ... có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm, đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Giá trị đầu tư trung bình cho 1 ha nuôi theo công nghệ BioSipec và sử dụng chế phẩm sinh học Biofloc khoảng 20 tỷ đồng, gấp 4 lần hình thức nuôi công nghiệp thông thường, nhưng lại cho hiệu quả vượt trội: Tỷ lệ sống 85%; sản lượng 30 tấn/ha/vụ, gấp 2 lần nuôi thông thường; đạt 5 - 6 vụ nuôi/năm, hơn 3 - 4 vụ/năm; dịch bệnh trên con tôm dễ được kiểm soát và hạn chế sự lây lan... Tại Công ty, hiện tôm thương phẩm được nuôi tối đa 6 vụ/năm, sản lượng gần 200 tấn/ha/năm, gấp gần chục lần so với mô hình nuôi tập trung thông thường.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất - Ảnh: PTC
Hay như Công ty Cổ phần QNTEK (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng các hạng mục hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích khoảng 6,5 ha tại thôn Phước An (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Khoảng 20 triệu con giống tôm thẻ chân trắng đã được thả nuôi, với mật độ cao (hơn 350 con/m2). Để nuôi tôm hiệu quả, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới vào nuôi tôm thâm canh như ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ ôxy hòa tan trong nước > 6 ppm. Đồng thời, công ty còn sử dụng các khoáng vi sinh dược liệu như đinh lăng, tỏi, ổi, cà rốt…
Nhiều khó khăn
Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao có hiệu quả kinh tế tốt nhưng thực tế, nông dân khó thực hiện do nhiều nguyên nhân. Điển hình như để áp dụng mô hình này, đòi hỏi phải có 70% diện tích phụ trợ bao gồm ao ương tôm giống (diện tích 10%), hệ thống ao lắng 1 để lọc sinh học (diện tích 30%) và ao lắng 2 xử lý mầm bệnh trước khi cấp nước cho ruộng nuôi (diện tích 30%). Như vậy, 1 ha tôm chỉ sử dụng 30% diện tích để nuôi. Mật độ nuôi thả dày trên 200 con/m2 nên phải lắp đặt thiết bị phụ trợ nhiều hơn, chi phí thức ăn cao hơn và tất nhiên, nguồn vốn đầu tư rất cao. Ngoài ra, người nuôi còn có thể gặp các trở ngại như kết cấu hạ tầng không đảm bảo và đặc biệt là thiếu điện sản xuất.
Vì vậy, để nhân rộng, cần tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi hình thức nuôi tôm, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, công nghệ cao; đồng thời, khảo sát, quy họach các vùng nuôi tôm theo địa bàn các ấp, khu vực… vận động nhân dân tham gia mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất, hướng dẫn nông dân tham gia các tổ hợp tác, xây dựng dự án vay vốn, từng bước chuyển đổi mô hình nuôi. Đồng thời, tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại cho kinh tế hộ gia đình; ảnh hưởng lớn đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Cùng đó, Nhà nước cần phải đề ra các cơ chế chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn, tồn đọng hiện nay, khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và con tôm nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong giai đoạn tới.
Để phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi do kinh phí đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất lớn, khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng phải tăng cường nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước; định kỳ đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo các bệnh có thể xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục dịch bệnh và ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi.
Nguồn tin: tạp chí thủy sản:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn