VietShrimp 2020 với “đích đến bền vững
Đó là các nội dung của “Đích đến bền vững” mà ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng đang hướng tới, được đề cập trong “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đầu năm 2018. Cũng chính là nội dung cuộc họp báo Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2020 (VietShrimp 2020) do Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức sáng 6/9, tại TP Cần Thơ.
VietShrimp luôn là điểm đến hấp dẫn của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi - Ảnh: Vũ Minh
Hiện đại hóa ngành tôm
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng phân tích: “Phát triển sản xuất phải gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm”.
>> Theo dự báo của VASEP, thị trường tôm những tháng cuối năm cũng rất sôi động, tiếp tục tăng trưởng tốt, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi đang được các địa phương đẩy mạnh. Theo đó, kỳ vọng lạc quan về kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025. |
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Mục tiêu bao trùm trước mắt là xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt Nam. Ngành tôm nước ta trong những năm qua phát triển khá ngoạn mục với diện tích nuôi trồng khoảng 700.000 ha, công nghệ chế biến hiện đại, mỗi năm xuất khẩu gần 4 tỷ USD nhưng chưa có thương hiệu là hạn chế rất lớn. Mục tiêu đó định hướng cho các hoạt động đổi mới ngành tôm”.
Còn ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho hay, Bạc Liêu đang có hơn nửa diện tích đất tự nhiên dành cho nuôi tôm, đi đầu trong cả nước về nuôi tôm siêu thâm canh. “Gần đây, doanh nghiệp ở Bạc Liêu đã làm chủ được công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh không thay nước với 3 ha, trong đó thả tôm 0,6 ha, còn lại nuôi cá rô phi để lọc nước đã cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Phú nói.
Một người nuôi tôm thâm canh nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng là ông Nguyễn Văn Nhiệm (nguyên Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh) tiếp lời, nuôi tôm không thay nước rất tốt nhưng có một số vấn đề trong quản lý nước rất cần được hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng. “Vào thời đại 4.0, các quy trình kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến nếu đưa được lên mạng như Youtube sẽ giúp người nuôi rất nhiều và khi nhiều người vào xem còn có nguồn kinh phí nghiên cứu tiếp. Hiện nay, một vấn đề thời sự là triển khai điện mặt trời trên ao nuôi tôm để hạ giá thành, tăng lợi nhuận cũng cần thiết đưa lên mạng để phổ biến rộng rãi”, ông Nhiệm đề xuất.
Tổng Biên tập Tạp chí Thủy sản Việt Nam Dương Xuân Hùng cho hay, những vấn đề các đại biểu vừa đề cập chính là trọng tâm công tác xây dựng thương hiệu ngành tôm. Theo đó, “Đích đến bền vững” cũng là thông điệp mà VietShrimp 2020 muốn gửi gắm. Sự kiện do Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản và nhiều đơn vị khác tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 25 - 27/3/2020.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn